Di tích nhà thờ họ Hoàng Văn là nơi thờ tự của họ Hoàng và liệt sỹ Hoàng Văn Tâm ở khối 6 phường Nghi Tân, được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia năm 1994.
Họ Hoàng Văn nối đời khoa bảng, nho y, nhiều người tham gia hoạt động cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu như: Hoàng Nguyên Lễ - Giải Nguyên khoa thi Thái ngự y (1851) làm quan đến Chánh ngự y, có đi sứ sang Thanh; Hoàng Văn Cư đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn, Thành Thái 16 (1904) làm đến quan Đốc học Nghệ An; liệt sỹ Hoàng Văn Tâm – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc … Hoàng Văn Tâm sinh trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng anh lại rất thông minh và đầy nghị lực. Nhờ có sự bao bọc của bà con trong dòng họ nên anh được ăn học đàng hoàng và sớm được giác ngộ cách mạng, khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin anh sớm trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên và sớm nhất của huyện Nghi Lộc.
Trong cơn lốc của cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị bọn thực dân Pháp và tay sai đàn áp giã man, Đảng bộ Nghi Lộc gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy cử đồng chí Hoàng Văn Tâm về Nghi Lộc để xây dựng, củng cố phong trào cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Tâm là một trong bốn Huyện ủy viên đầu tiên của huyện và trực tiếp làm Bí thư chi bộ Lò, sau đó là Bí thư Huyện ủy, điều lên Tỉnh ủy tháng 1/1931. Trụ sở đặt tại nhà thờ họ Hoàng của đồng chí Hoàng Văn Tâm, từ đó các lớp tập huấn được mở tại đây nhằm tuyên truyền giáo dục quần chúng. Để tiện cho việc xây dựng cơ sở và chỉ đạo phong trào, các đồng chí trong chi bộ Lò phát triển hoạt động của hội “Nam đồng ích” thành cơ sở kinh tài cho Đảng. Tại đây các đồng chí mở hiệu may, buôn bán nước mắm, lên rừng Phủ Quỳ mua quế về bán… Nhờ có nguồn kinh phí này, chi bộ Lò tổ chức bộ phận ấn loát để in truyền đơn của Đảng, in báo “Dân nghèo” của Huyện ủy. Với những hoạt động của Huyện ủy Nghi Lộc trong thời gian đóng ở nhà thờ họ Hoàng Văn cùng với nhân dân hai tỉnh nói chung (Nghệ An, Hà Tĩnh) nhân dân Nghi Lộc đã sống những ngày sôi nổi, nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp huyện. Từ khi Huyện ủy về nhà thờ họ Hoàng Văn trong 4 tháng đã có 4 cuộc đấu tranh quy mô cấp tỉnh, 5 cuộc quy mô cấp huyện và 18 cuộc cấp tổng và làng (có những cuộc có từ 800 – 1.000 người tham gia.
Theo đồng chí Nguyễn Duy Trinh kể lại về nhà thờ họ Hoàng Văn qua hồi ký “Từ khám tù vị thành niên đến trường học Xô viết Nghệ Tĩnh”: vào cuối tháng 4/1931 khi phong trào cách mạng ở huyện Nghi Lộc hòa vào phong trào cách mạng chung cả tỉnh và cả nước bước sang giai đoạn đỉnh cao. Tại nhà ông bà Thép ở Đức Thịnh đã tiến hành hội nghị khuyếch đại của xứ ủy Trung Kỳ. Sau cuộc họp này, đồng chí Thịnh ( tức Nguyễn Phong Sắc ), ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách xứ ủy Trung Kỳ đã về triển khai Nghi quyết hội nghị tại nhà thờ họ Hoàng Văn ở Vạn Lộc, đồng chí đã truyền đạt nhận định của Trung ương về thế tương quan của ta và địch. Trung ương phê phán sự tả khuynh trong Đảng, chấn chỉnh lại Xứ ủy, củng cố và phát triển các tổ chức xung quanh Đảng như: Nông hội, Công hội, Thanh niên cộng sản đoàn, phụ nữ… việc triển khai Nghi quyết của hội nghị khuyếch đại đã uốn nắn được lệch lạc của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Nghi Lộc và toàn tỉnh. Nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp để củng cố tổ chức Đảng, quần chúng phát động phong trào đấu tranh rộng khắp và toàn diện.
Tháng 6/1931, Hoàng Văn Tâm bị bắt. Biết được vai trò quan trọng của anh trong tỉnh ủy Nghệ An và trước đây là bí thư huyện ủy Nghi Lộc, tòa án Nam Triều đã kết án tử hình anh ( theo bản án số: 174 ngày 18/10/1931).
Để nhằm uy hiếp phong trào cách mạng ở Nghi Lộc – Cửa Lò, thực dân Pháp đã đưa anh về xử bắn tại quê nhà. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Tâm - một chiến sỹ cộng sản kiên cường của phong trào cách mạng 1930 – 1931, một trong những tấm gương cộng sản tiêu biểu của Nghi Lộc - Cửa Lò nói riêng, của Tỉnh Nghệ An nói chung đã đi vào lịch sử của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí Hoàng Văn Tâm khép lại, nhưng khí phách cách mạng, tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương ghi mãi ngàn đời cho con cháu noi theo. |