Tương Dương (Nghệ An), vùng núi non hùng vĩ, hoang sơ, nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ, nơi cư trú của 5 dân tộc thiểu số với những nét văn hoá đặc sắc thực sự là “thiên đường du lịch” ở miền Tây xứ Nghệ, đang vẫy gọi du khách gần xa chiêm ngưỡng, khám phá.
Tương Dương là tỉnh miền núi phía Tây Nghệ An, diện tích 281.129,37 ha, hầu hết là rừng núi và rừng nguyên sinh. Từ TP Vinh đến Tương Dương 200km. Nằm ở vị trí giáp nước bạn Lào, có QL 7 đi qua, địa bàn của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Huống và khu dự trữ sinh quyển thế giới Pù Mát, Tương Dương là địa bàn chiến lược về kinh tế - văn hoá – an ninh - quốc phòng của Nghệ An.
Đặc biệt, Tương Dương được nhắc đến như một “thiên đường du lịch” hấp dẫn, với tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng chưa được nhiều người biết đến. Tương Dương có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, di sản văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc có thể khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Tương Dương có các khu rừng nguyên sinh như: Rừng săng lẻ (Tam Đình), rừng lạnh nguyên sinh (Tam Hợp), rừng cây lùn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (Tam Quang), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nga My), nhiều hang động đẹp ở Hữu Khuông, Yên Thắng, Xá Lượng, Tam Đình, Tam Quang… Tương Dương còn có hồ thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố rộng lớn, tạo nên vô số ốc đảo và luồng lạch; lòng hồ có nhiều hàng động đẹp như: Thẳm Nặm, Thẳm Kèo... hứa hẹn những điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn.
Trong lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ
Vẻ đẹp hang động ở Hữu Khuông không thua kém bất cứ hang động nào ở Việt Nam
Với dân số 70.000 người gồm 6 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 90,36% (dân tộc Thái 70,66%, Khơ Mú 12,17%, Mông 5,31%, Ơ đu 1,00%, Tày Poọng 0,91%), với những đặc trưng văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng của bức tranh văn hóa Tương Dương, người dân ở đây vẫn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể như: nhà ở, dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển...; và phi vật thể: văn học dân gian, chữ Thái - Lai pao, nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống...
Trẻ em bản Lau đi học về trên cầu treo bắc qua sông Lam
Các món ăn được chế biến bằng nguồn sản vật của địa phương như: cá lăng, cá mát, gà ác, lợn đen,... các loại rau quả như: xoài, cà ngọt, măng đắng, khoai sọ, bí xanh... mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng. Về không gian văn hóa, Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái với những phong tục cổ truyền rất đặc sắc như bản Chắn, bản Mác, bản Cây Me, bản Nhặn, bản Phòng (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Lưu Phong (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)...
Độc đáo lễ hội chọi trâu của người Mông vào mùa xuân
Nam thanh, nữ tú người dân tộc Thái chơi ném còn trong lễ hội
Về di tích gắn với không gian văn hoá lễ hội, Tương Dương có Đền Vạn - Cửa Rào thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và Tam toà Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào dịp đầu xuân hàng năm là nét đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc Tương Dương, thu hút đông đảo du khách gần xa. Ngoài Đền Vạn - Cửa Rào còn có đền Pàng, đền thờ Lý Nhật Quang ở xã Tam Quang.
Tưng bừng lễ rước trong lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào
Với đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”, hi vọng “thiên đường du lịch Tương Dương” sẽ được đánh thức. Tuy nhiên, để biến tiềm năng, lợi thế thành sản phẩm du lịch có sức hút và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Du khách quốc tế đến thị trấn Hoà Bình (Tương Dương)
Trước hết là công tác quy hoạch phát triển, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao nhận thức của người dân cho đến chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, công tác quảng bá, bảo tồn tài nguyên du lịch cũng như quản lý... Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với nhận thức đúng, quyết tâm cao và bước đi phù hợp, tin chắc rằng trong tương lai, Tương Dương sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. |