Tướng công Phùng Phúc Kiều sinh năm 1724 tại thôn Thu Lũng, xã Hiếu Hạp, huyện Chân Phúc nay thuộc phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Ông sinh ra trong một gia đình “Công, hầu, kế, thế”. Dưới triều nhà Lý, cụ tổ Phùng Tá Chu giữ chức Thái phó, người đã có công trong việc xây dựng nhà Trần và giúp nhà Trần lập nghiệp, cụ còn là người tổ chức khai khẩn vùng đất hoang hóa và hoạch định các trang ấp lớn ở Nghệ An.

Do có nhiều công lao đối với nhà Trần, năm 1234 được Trần Thái Tông phong tước Hưng nhân vương; năm 1236 được phong tước Đại vương. Các thế hệ con cháu của cụ nhiều người có công trong sự nghiệp chống các thế lực ngoại xâm, chống giặc giã bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Nổi bật như tể tướng Phùng Sỹ Chu có công giúp nhà Trần chống quân xâm lược, Chiêu Dụ Vương Phùng Văn Đạt, Hoàng thái hậu Phùng Thị Thục Giang, Thượng Tướng Quân Công Đông các Đại Học Sỹ Phùng Quang Lộc đã có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược và trung hưng nhà Lê. Thái bảo Phùng Bá Nghị, Đề Đốc Thượng Tướng Quận Công Phùng Bá Ngự, Thượng tướng Quận công Phùng Viết Đạm…

Phùng Phúc Kiều từ nhỏ là người thông minh hiếu học, lớn lên trong lúc đất nước có chiến tranh loạn lạc, ông vào quân đội ở Thủy đội ưu binh thuộc Đông Nam Đẳng Đạo. Sau khi học xong trường Quân sự ở Phú Đức Quang, ngày nay thuộc vùng Đức Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh được giao chỉ huy tiểu đội Ưu binh, chức Thiên hộ. Do có nhiều công lao dẹp giặc yên dân, năm 1784 được vua Lê Hiến Tông sắc phong Thượng tướng quân, Đô đốc Đô Trung Hầu tổng chỉ huy Đông nam Đẳng Đạo, được nhà vua giao cho cờ, thẻ bài để hiệu lệnh quân đội (thủy quân bảo vệ) vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ngày nay.

Trong khi đi khảo sát địa hình, Phùng Phúc Kiều thấy dọc theo ven biển có rất nhiều đất bị bỏ hoang nên đã xin triều đình cho chiêu dân, lập ra một số làng ở ven biển Cửa Lò, làm chỗ dựa vững chắc cho thủy đội hải quân của mình. Trong tấm bia đá ghi công những người lập làng dựng ở đền Thu Lũng có tên ông và dòng họ Phùng ở Nghi Thu.

Năm 1792, Phùng Phúc Kiều qua đời được triều đình nhà Lê hộ táng. Để tiện cho con cháu và dân làng thờ phụng, vào đầu thế kỷ XIX triều đình cho xây dựng lăng ở trước đình làng Thu Lũng.

Năm 1999, nhà thờ của dòng họ Phùng và khu lăng mộ của hai ông bà Phùng Phúc Kiều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trải qua năm tháng nhà thờ và khu lăng mộ được con cháu tôn tạo và tu bổ hàng năm. Hiện nay, nhà thờ có 3 gian thượng, trung và hạ điện với nhiều bút tích nghệ thuật, đồ thờ tự mang dấu ấn văn hóa thời đại.